Tai biến mạch máu não còn gọi là đột quỵ, là một thể rối loạn tuần hoàn não cấp tính, khi việc cung cấp máu lên một bộ phận nào đó của não bị gián đoạn đột ngột, do một nhánh động mạch não bị nghẽn tắc hoặc là bị vỡ. Nguyên nhân chủ yếu thường do cao huyết áp và xơ cứng động mạch, huyết quản não tổn thương (tắc nghẽn hoặc bị vỡ), mà gây nên bệnh.
Trường hợp một nhánh động mạch não bị vỡ, thì gọi là xuất huyết não (chảy máu não), còn khi một nhánh động mạch não bị tắc nghẽn, thì gọi là nhồi máu não (thiếu máu não).
- Trường hợp chảy máu não: Thường xuất hiện đột ngột, trong lúc bệnh nhân đang tỉnh táo, thường liên quan đến trạng thái tâm thần bị kích động đột ngột (quá tức giận, quá vui, quá buồn, ...) hay dùng lực quá mạnh khiến huyết áp tăng cao đột ngột và kèm theo những biến chứng thần kinh.
- Trường hợp thiếu máu não: Thường xuất hiện ban đêm hoặc trong trạng thái tĩnh, với biến chứng chủ yếu là liệt nửa người.
Tai biến mạch máu não trong Đông y gọi là "trúng phong"; gọi là "trúng phong" vì xuất hiện đột ngột và tiến triển nhanh, nhiều biến chứng, giống như là bị trúng gió độc.
Chứng trạng chủ yếu là bỗng nhiên đầu óc mơ hồ hoặc hôn mê bất tỉnh, liệt nửa người, méo miệng xếch mắt, nói năng khó khăn hoặc không thể nói được.
Trên thực tế, sau giai đoạn cấp tính, dù đã được tiến hành các biện pháp cấp cứu cần thiết, tai biến mạch máu não vẫn thường để lại một số di chứng, như chân tay tê bì hoặc liệt nửa người (bán thân bất toại), méo miệng xếch mắt (khẩu nhãn oa tà), nói khó hoặc nói không ra tiếng (ngôn ngữ bất lợi), ...
Để khắc phục các di chứng, nói chung cần tiếp tục tiến hành điều dưỡng tại gia đình trong thời gian dài. Lúc này, ngoài việc sử dụng thuốc, kết hợp với châm cứu, xoa bóp, ăn uống hợp lý có vai trò rất quan trọng trong hỗ trợ cải thiện chứng trạng, tăng cường thể chất, xúc tiến hồi phục.
Trong điều kiện gia đình, tùy theo chứng trạng biểu hiện cụ thể, có thể lựa chọn sử dụng một số Bài thuốc hoặc Món ăn - Bài thuốc sau:
(1) Bổ dương hoàn ngũ thang:
Thành phần: Sinh hoàng kỳ 50g, quy vĩ 9g, xích thược 9g, xuyên khung 9g, đào nhân 9g, hồng hoa 9g, địa long 9g.
Sử dụng: Sắc 2 nước, hợp 2 nước với nhau; chia 2-3 lần uống trong ngày.
Tác dụng: Đây là bài thuốc cơ bản, có tác dụng ích khí hoạt huyết, thông kinh lạc, thường sử dụng trong điều trị các di chứng sau tai biến mạch máu não, như liệt nửa người (bán thân bất toại), méo miệng, mắt xếch, mắt không nhắm lại được (khẩu nhãn oa tà), khó nói hoặc cấm khẩu, nói không ra tiếng, mép chảy nước dãi, tiểu tiện nhiều lần, hoặc đại tiểu tiện không tự chủ, ...
Sử dụng hoàng kỳ làm chủ vị để ích khí, bổ hư tổn; phối hợp với đào nhân, hồng hoa, xích thược, xuyên khung, quy vĩ để hoạt huyết hóa ứ, trừ huyết khối; phối hợp với địa long để an thần và chống co giật.
Gia giảm:
- Trường hợp bệnh nặng, có thể thêm ngô công, toàn yết để tăng cường tác dụng.
- Nếu kém ăn, tức ngực đầy bụng, thêm chỉ thực, trần bì, bạch chỉ.
- Nếu cấm khẩu hoặc miệng chảy dãi liên tục, thêm câu đằng, cương tàm.
- Đầu choáng mắt hoa, thêm cúc hoa, mạn kinh tử.
- Phiền táo mất ngủ, thêm sơn chi, táo nhân.
Lưu ý: Tai biến mạch máu não là loại bệnh nặng, phải dùng uống vài chục thang mới thấy kiến hiệu.
(2) Cháo bổ khí huyết:
Thành phần: Hoàng kỳ 60-120g, nhân sâm 3-5g (hoặc đảng sâm 30g), quy vĩ 10g, địa long 5g, gạo tẻ 50-100g, đường trắng lượng thích hợp.
Sử dụng: Gạo tẻ vo sạch, cho vào nồi, thêm nước, nấu thành cháo; hoàng kỳ, nhân sâm thái thành lát, cho vào nồi gốm, thêm nước lạnh vào ngâm trong 30 phút, tiếp sau cho quy vĩ, địa long vào, đun to lửa cho sôi, sau đun nhỏ lửa khoảng 1 giờ; chắt lấy nước cốt, chia 2 phần, pha vào cháo, thêm chút đường, ăn buổi sáng sớm và buổi tối.
Tác dụng: Chữa di chứng tai biến mạch máu não với bán thân bất toại là triệu chứng chính.
(3) Cháo hoạt huyết:
Thành phần: Hoàng kỳ 50g, đào nhân 10g, địa long 2g, gạo tẻ 50-100g, đường trắng lượng thích hợp.
Sử dụng: Địa long tán nhỏ; hoàng kỳ, đào nhân sắc lấy nước (bỏ bã), thêm gạo vào nấu cháo, khi chín thêm bột địa long, đường trắng vào trộn đều, chia ra ăn trong ngày.
Tác dụng: Chữa di chứng tai biến mạch máu não với bán thân bất toại là triệu chứng chính.
(4) Cháo muồng ngủ:
Thành phần: Thảo quyết minh (hạt muồng ngủ) 10-15g, bạch cúc hoa 10g, câu đằng 10g, gạo tẻ 50-100g, đường phèn một chút.
Sử dụng: Hạt muồng cho vào chảo sao thơm;cùng cúc hoa, câu đằng sắc lấy nước, bỏ bã, cho gạo vào nấu cháo; cháo chín cho đường phèn vào, đun lại thêm một chút là được.
Tác dụng: Chữa di chứng tai biến mạch máu não với các triệu chứng chính là cao huyết áp, đại tiện táo kết, hoa mắt chóng mặt (huyễn vựng).
(5) Móng giò lợn hầm sơn tra:
Thành phần: Móng giò lợn 3 cái, sơn tra 5 quả, gia vị vừa đủ.
Sử dụng: Móng giò lợn làm sạch, thái thành miếng nhỏ, xào cùng gia vị, đổ ngập nước, cho sơn tra vào, hầm khoảng 2 giờ cho chín nhừ; chia ra ăn trong ngày.
Tác dụng: Móng giò có tác dụng bổ thận tinh, mạnh gân cốt; sơn tra không chỉ tiêu thực (nhất là tiêu hóa thịt) mà còn có tác dụng tán ứ huyết; 2 thứ kết hợp có tác dụng tốt với người huyết áp cao, bị tai biến mạch máu não với di chứng chân tay tê liệt.
(6) Trúc lịch khương chấp ẩm:
Thành phần: Trúc lịch, sinh khương (củ gừng).
"Trúc lịch" là nước lấy từ cây tre non. Muốn có trúc lịch, người ta thường chặt tre tươi về, cắt thành từng đoạn, nướng lên và vắt lấy nước. Có thể uốn cong cây tre non ngay cạnh bụi tre, phạt ngọn, buộc cọc ghìm vào miệng chai hoặc bình, lấy lửa đốt phần giữa, nước sẽ chảy ra; hoặc không đốt, để một đêm nước sẽ chảy vào đầy chai.
Sử dụng: Mỗi lần uống 1-2 thìa cà phê trúc lịch, thêm chút nước gừng vào trộn đều; chiêu bằng nước sôi hoặc nước cơm.
Tác dụng: Chữa di chứng tai biến mạch máu não với các triệu chứng chính là khó nói, đờm nhiều, hoa mắt chóng mặt (huyễn vựng).
Lương y HƯ ĐAN