Phương pháp thực liệu chữa di tinh 01/04/2016 9:58:47 SA
www.thuocvuonnha.com

Di tinh là hiện tượng nam giới xuất tinh trong lúc không giao hợp hoặc không thủ dâm. Nói chung, đến tuổi trưởng thành nam giới chưa có vợ hoặc đã có vợ mà hai người xa nhau, một tháng xuất tinh vài ba lần, là bình thường, Y học gọi đó là "di tinh sinh lý".

đỗ trọng

Còn như tinh xuất nhiều, một tuần vài lần, thậm chí một đêm vài lần, lại kèm theo những chứng trạng bệnh lý như mệt mỏi, choáng đầu, hoa mắt, trống ngực, khó tập trung tư tưởng, hay quên, ... thì gọi là "di tinh bệnh lý". Nếu không chữa trị kịp thời và triệt để, rất dễ dẫn tới các chứng bệnh khác, nhất là "dương nuy" (liệt dương) hoặc "tảo tiết" (xuất tinh quá sớm).

"Di tinh bệnh lý" trong Đông y chia thành 2 loại là "mộng tinh" và "hoạt tinh". Xuất tinh khi nằm mơ thấy chuyện sắc tình gọi là "mộng tinh", bệnh tương đối nhẹ. Còn tinh xuất trong lúc tỉnh hoặc không ngủ mơ, thì gọi là "hoạt tinh", bệnh tình nặng hơn.

Ngoài ra, có trường hợp nam giới khi giao hợp mà tinh dịch tiết ra không ngừng, thì là "tẩu dương", cũng nằm trong phạm trù "hoạt tinh", nhưng là một bệnh nặng.

Theo Đông y: Nguyên nhân dẫn tới di tinh, thường là do chức năng của hai tạng Tâm và Thận bị suy yếu hoặc bị rối loạn. Ngoài ra, uống bia rượu và ăn nhậu quá nhiều, khiến cho thấp nhiệt uất kết ở kinh Can, hoặc chức năng của Tỳ Vị bị hư tổn, thủy thấp bị ứ đọng, dồn xuống hạ tiêu, cũng có thể dẫn tới di tinh.

Sử dụng các Món ăn - Bài thuốc (tức "thực liệu"), cũng là một biện pháp quan trọng để chữa di tinh. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp nam giới di tinh, chỉ sử dụng biện pháp thực liệu, chưa cần dùng đến thuốc, mà bệnh đã khỏi.

Trước hết, với những người di tinh, ăn uống cần tuân theo một số nguyên tắc chung: Bữa ăn hàng ngày cần có đủ chất đạm và chất béo; các loại trái cây và rau xanh giầu vitamin cũng không thể thiếu; không dùng những loại nước uống gây hưng phấn như rượu, cà phê, ca cao, ...; giảm bớt những món ăn cay ấm, có tác dụng "trợ dương động hỏa" như hành, tỏi, thịt dê, thịt chó. Cần sử dụng nhiều những thức ăn, trái cây có tác dụng cố tinh, như thịt và trứng chim bồ câu, thịt chim sẻ, cá mực, bong bóng cá, bạch quả, phúc bồn tử, hồ đào, hạt sen, tua sen, khiếm thực, hoài sơn, hạt hẹ, ...

Tương tự như dùng thuốc, khi sử dụng các loại thức ăn để chữa bệnh, cũng cần tuân theo nguyên tắc "Biện chứng luận trị" - nghĩa là cần căn cứ vào những chứng trạng biểu hiện cụ thể của bản thân, để phân biệt, nhận biết "thể bệnh", trên cơ sở đó chọn dùng phép chữa, món ăn thích hợp. Cụ thể:

1. Thể "Thận hư bất cố":

    Triệu chứng: Ngủ ít, hay mê, di tinh, chóng mặt, nhức đầu, ù tai, ...

    - Nếu là Thận âm hư: Phiền nhiệt, họng khô, miệng khô, tiểu tiện đỏ, đại tiện táo, ra mồ hôi trộm, nhức trong xương, mạch tế sác.

    - Nếu là Thận dương hư: Sợ lạnh, lưng gối đau lạnh, chân tay lạnh, đại tiện phân thường nát, nước tiểu trong, di tinh kèm theo liệt dương, mạch trầm nhược.

    Phép chữa: Bổ thận, cố tinh, an thần; bổ thận âm (nếu thận âm hư), bổ thận dương (nếu thận dương hư).

    Có thể sử dụng một trong số các Món ăn - Bài thuốc sau:

    (1) Cháo sơn dược ngô thù du: Sơn dược (củ mài) 30-60g, ngô thù du 15-20g, gạo tẻ 100g; sắc sơn dược và ngô thù lấy nước cốt, chia thành 2 phần, đem nấu thành cháo cùng với gạo; mỗi ngày nấu và ăn 2 lần.

    (2) Canh cá diếc kim anh tử: Cá diếc 250g, kim anh tử 30g, dầu mỡ, mắm muối và gia vị; cá diếc bỏ ruột và nội tạng, để nguyên vây, cùng với kim anh tử cho vào nồi, thêm nước nấu đến khi cá chín, thêm mắm muối gia vị thành món canh; ăn cá và uống nước canh.

    (3) Đuôi lợn hầm tục toan đỗ trọng: Tục đoạn 25g, đỗ trọng 30g, đuôi lợn 2 cái; đuôi lợn làm sạch lông, cùng với tục đoạn và đỗ trọng cho vào nồi gốm, thêm nước, hầm cho đến khi đuôi lợn chín, thêm gia vị mắm muối vào là được.

    (4) Bầu dục hầm đỗ trọng: Bầu dục lợn 1 đôi, đỗ trọng 30g; bầu dục làm sạch, thái nhỏ, thêm nước vào nấu với đỗ trọng cho đến khi chín, thêm mắm muối gia vị, dùng làm món ăn trong bữa cơm.

    (5) Canh ruột gà ba kích: Ruột gà (lòng gà) 2-3 bộ, ba kích 15g; ruột gà dùng dao mổ banh ra, rửa sạch, thêm nước vào nấu với ba kích thành món canh, ăn trong bữa cơm; mỗi ngày dùng 1 tễ (1 thang).

    (6) Cháo táo nhân liên tử kim anh tử: Táo nhân 15g, liên tử 15g, kim anh tử 15g, gạo tẻ 50-100g; thêm nước nấu thành cháo; mỗi ngày dùng 1 tễ (1 thang), ăn khi cháo còn nóng.

    (7) Canh lươn nhân sâm câu kỷ tử long nhãn nhục: Nhân sâm 3g, câu kỷ tử 15g, long nhãn nhục 10g, lươn 250g; lươn làm sạch, nấu với 3 thứ còn lại thành món canh; mỗi ngày dùng 1 tễ (1 thang).

2. Thể "Tâm âm hư":

    Triệu chứng: Di tinh, người mệt mỏi, đầu choáng váng, hồi hộp ngủ không yên giấc, mộng nhiều, dễ tỉnh, đại tiện táo bón, dương vật cứng nhanh và xuất tinh nhanh, miệng khô lưỡi háo, chất lưỡi đỏ, mạch tế sác (nhỏ, nhanh).

    Phép chữa: Tư âm thanh hỏa, an thần, cố tinh.

    Có thể sử dụng một trong số Món ăn - Bài thuốc sau:

    (1) Cháo địa hoàng gia vị (Gia vi địa hoàng chúc): Nước ép sinh địa hoàng 30-50ml (hoặc dùng địa hoàng khô 60g), táo nhân 10-15g, gạo tẻ 100g, sinh khương 2 lát; trước hết nấu gạo với nước cho sôi, sau đó cho địa hoàng, táo nhân và sinh khương vào nấu tiếp cho đến khi cháo chín nhừ là được; chia 2 lần ăn trong ngày, liên tục trong 5-7 ngày.

    (2) Bột mướp đắng: Mướp đắng 1 quả, khiếm thực (tán thành bột mịn) 10-15g, đường trắng 30g; mướp đắng rửa sạch, giã nát như hồ, hòa đều với bột khiếm và đường; chia 2 lần ăn trong ngày, liên tục trong 5-7 ngày.

    (3) Cháo lá sen hoa cúc: Lá sen 1 cái, cúc hoa 30g, gạo nếp 50-100g; sắc lá sen và cúc hoa lấy nước thuốc (bỏ bã), cho gạo vào nấu thành cháo; ăn khi cháo còn nóng, mỗi ngày 1 tễ (1 thang).

    (4) Vịt hầm khiếm thực: Vịt già 1 con, khiếm thực 100-120g; làm thịt vịt, giữ lại thận và ruột, nhồi khiếm thực vào bụng, thêm nước hầm trong 2 giờ là được; mỗi ngày dùng 1 tễ (1 thang), ăn thịt gà và uống nước hầm.

    (5) Gà hấp kim anh tử: Gà mái 1 con, kim anh tử 60g; làm thịt gà, bỏ hết nội tạng, nhồi kim anh tử vào bụng gà, đặt vào bát hấp cách thủy cho đến khi chín; cách ngày dùng 1 lần, ăn thịt gà và uống nước canh.

3. Thể "Thấp nhiệt nội ẩn":

    Triệu chứng: Di tinh, khát nước nhiều, tiểu tiện ngắn đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch hoạt sác.

    Phép chữa: Thanh nhiệt, hóa thấp.

    Có thể sử dụng một trong số các Món ăn - Bài thuốc như sau:

    (1) Cháo mã đề tâm sen: Lá mã đề tươi 30g, tâm sen 10g, gạo tẻ 50-100g, hành trắng 1-2 củ; trước hết thái nhỏ lá mã đề, cùng với hành sắc lấy nước, bỏ bã, sau đó cho tâm sen và gạo tẻ vào nấu thành cháo; mỗi ngày ăn 2 lần, liên tục 5-7 ngày.

    (2) Cháo chi tử liên tâm: Chi tử (dành dành) 5g, tâm sen (liên tâm) 10g, gạo tẻ 50-100g; trước hết nấu gạo tẻ và tâm sen cho đến khi cháo chín, sau đó cho chi tử đã nghiền nhỏ vào trộn đều, đun thêm một chút nữa là được; khi ăn có thể hòa thêm chút đường trắng vào cho vừa miệng.

    (3) Canh râu ngô thịt trai: Râu ngô 30-60g, thịt trai 50-200g; thêm nước, nấu đến khi thịt trai chín là được, thêm mắm muối gia vị thành món canh; ăn trong bữa cơm, mỗi ngày dùng 1 tễ (1 thang).

    (4) Trà mướp đắng đăng tâm thảo: Mướp đắng tươi 150g, đăng tâm thảo (cỏ bấc đèn) 12g; sắc nước, uống thay trà trong ngày, mỗi ngày dùng 1 tễ (1 thang).

    (5) Canh ý dĩ hạt sen bong bóng lợn: Hạt ý dĩ 30g, hạt sen 30g, tâm sen 6g, bong bóng lợn 200g; bong bóng lợn rửa sạch, thái nhỏ, cùng với 3 thứ còn lại nấu thành món canh ăn trong bữa cơm; mỗi ngày dùng 1 tễ (1 thang).


Lương y HUYÊN THẢO