Món ăn Bài thuốc

Ăn uống như thế nào để khống chế đái tháo đường?

Nguồn tin:  www.thuocvuonnha.com
Cập nhật: 06/04/2016 07:06 SA

kỷ tử, rau khởi

Căn bệnh cổ lão

Đái tháo đường (Diabetes Mellitus) là một bệnh do insulin bị thiếu hụt tương đối hoặc tuyệt đối, dẫn tới hàng loạt các rối loạn chuyển hóa chất đường, chất béo, chất đạm, nước và điện giải.

Chứng trạng điển hình của bệnh là: Uống nhiều, đái nhiều, ăn nhiều, mệt mỏi, thể trọng giảm và nồng độ đường glucose trong máu tăng cao dị thường. Số liệu thống kê cho thấy, đái tháo đường hiện đang là một trong số các bệnh mạn tính chủ yếu, gây uy hiếp lớn nhất tới sức khỏe của con người.

Giới chuyên môn thường coi đái tháo đường là sản vật của lối sống hiện đại. Trong những năm gần đây, "đội ngũ" những người mắc phải căn bệnh hiểm nghèo này ở nước ta cũng ngày càng đông. Tuy nhiên, đái tháo đường không phải là một loại bệnh mới, mà là một căn bệnh cổ lão, đã được Đông y nhận biết và đề cập trong bộ sách "Nội Kinh" với tên "Tiêu khát" cách nay đã hơn 2000 năm.

"Tiêu" nghĩa là tiêu hao (đái nhiều - tiêu hao nước, giảm thể trọng - tiêu hao thịt), "khát" hàm nghĩa là cảm giác đói khát (ăn nhiều, uống nhiều).

Trạng thái điển hình của người bệnh, được người xưa tóm tắt bằng 4 chữ "3 nhiều 1 ít": 3 nhiều là uống nhiều, ăn nhiều và đái nhiều; còn 1 ít là thân thể gầy đét (thịt ít).

Theo Đông y: Bệnh tiêu khát có thể do "nội nhân" (nguyên nhân bên trong) hoặc "ngoại nhân" (nguyên nhân bên ngoài) gây nên. Nội nhân, chủ yếu do bẩm sinh "Âm hư". Ngoại nhân, có thể do thường nhật ăn quá nhiều các chất béo, ngọt; do tình chí uất ức; lao dục quá độ; hoặc bị "nhiệt tà" xâm phạm cơ thể; nhiệt tà thiêu đốt âm dịch; âm dịch bị hao tổn dẫn tới "Âm hư", mà sinh ra chứng bệnh "tiêu khát".

Trong bệnh tiêu khát, tình trạng "Âm hư" gây phương hại chủ yếu tới "Phế", "Vị" và "Thận", dẫn tới các chứng trạng "uống nhiều", "ăn nhiều" và "tiểu nhiều" - đồng loạt xuất hiện. Nguyên nhân chủ yếu là "Âm hư", nên để chữa trị, Đông y thường sử dụng loại thuốc "bổ âm".

Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy: Các loại thuốc và thức ăn "bổ âm" - theo quan niệm của Đông y, có tác dụng điều tiết các quá trình trao đổi chất trong cơ thể trên nhiều phương diện. Đặc biệt, một số loại thuốc - thức ăn "bổ âm" có tác dụng xúc tiến quá trình tạo insulin ở tuyến tụy, nâng cao hoạt tính của insulin và ức chế hiện tượng "kháng insulin". Từ đó có thể thấy, việc sử dụng các loại thuốc "bổ âm", cũng như các loại thức ăn bổ âm để chữa trị bệnh đái tháo đường là có cơ sở.

Kinh nghiệm thực tế cho thấy: Sử dụng các Món ăn - Bài thuốc một cách hợp lý, có tác dụng rất tốt trong việc khống chế đái tháo đường. Với thể bệnh nhẹ, chỉ cần điều trị bằng thức ăn, bệnh tình đã có thể cải thiện rõ rệt, thậm chí không cần sử dụng thuốc. Đối với thể bệnh tương đối nặng, tiến hành điều trị bằng thức ăn có thể giúp bệnh tình ổn định và tránh phải dùng thuốc quá nhiều. "Ẩm thực trị liệu" còn có lợi đối với việc điều chỉnh thể trọng của bệnh nhân, có khả năng khiến người quá béo giảm bớt thể trọng, người quá gầy có thêm da thịt.

Khi tiến hành chữa trị bằng "Ẩm thực liệu pháp", Đông y thường chia bệnh đái tháo đường thành ba dạng điển hình (thường gọi là "thể bệnh" hoặc "dạng bệnh"): "Thượng tiêu", "Trung tiêu" và "Hạ tiêu".

Trong điều kiện gia đình, người bệnh có thể căn cứ vào những chứng trạng, triệu chứng biểu hiện cụ thể của bản thân, để nhận biết dạng bệnh. Trên cơ sở đó, tùy theo tình hình, có thể chọn dùng một hoặc vài món ăn, trong số các Món ăn - Bài thuốc, theo các phương án sau:

1. Thượng tiêu:

    - Chứng trạng: Biểu hiện chủ yếu của dạng này là khát nước và uống nhiều; càng khát càng uống đái ra càng nhiều. Da vàng, họng khô háo nóng rát. Ăn uống vẫn như thường. Chất luỡi đỏ, rêu lưỡi vàng khô. Mạch sác (nhanh).

    - Phép chữa: Dưỡng âm thanh nhiệt, nhuận táo chỉ khát.

    - Món ăn - Bài thuốc thường dùng:

    (1) Bột sắn dây 30g, gạo tẻ 60g; hai thứ cùng nấu cháo ăn vào buổi sáng và buổi tối. Cũng có thể chỉ dùng bột sắn 30g quấy thành bột ăn ngày 3 lần.

    (2) Rau mướp đắng: Dùng mướp đắng ăn thay rau hàng ngày. Cũng có thể chế mướp đắng thành dạng bột khô rồi hòa nước sôi uống dần; ngày uống 3 lần, mỗi lần 7-10g, liên tục trong 10-15 ngày (1 liệu trình).

    (3) Canh thịt trai mướp đắng: Mướp đắng 250g, thịt con trai 100g; trước hết cần nuôi trai trong nước sạch khoảng 2 ngày cho đỡ mùi tanh rồi mới làm thịt; mướp đắng và thịt trai nấu thành canh ăn trong nhiều ngày; tùy theo tình hình, nghỉ vài ba hôm lại tiếp tục.

    (4) Cá diếc hấp chè xanh: Cá diếc 500g, chè xanh lượng thích hợp; cá diếc bỏ mang và nội tạng, giữ nguyên vây, nhồi chè xanh vào bụng cá, đặt lên đĩa hấp cách thủy đến khi chín; ngày dùng 1 lần, ăn cá nhạt như vậy, không thêm mắm muối.

2. Trung tiêu:

    - Chứng trạng: Chủ chứng là ăn nhiều mà mau đói. Người bệnh miệng thường thấy khát, uống nhiều, ăn nhiều và mau đói, sốt cơn, mồ hôi trộm, thân thể ngày càng gầy đi, đái ngày càng nhiều, đại tiện táo, đầu choáng váng, mắt mờ, tai ù. Luỡi đỏ, rêu lưỡi mỏng khô rách hoặc trắng mỏng. Mạch hoạt sác hoặc tế sác.

    - Phép chữa: Thanh vị dưỡng âm, tư âm bổ thận.

    - Món ăn - Bài thuốc thường dùng:

    (1) Canh bí ngô: Bí ngô 250g, nấu thành canh, ăn hàng ngày vào buổi sáng và buổi tối; liên tục trong 1 tháng; khi bệnh đã ổn định, thỉnh thoảng vẫn nên ăn như vậy.

    (2) Cháo củ cải: Củ cải tươi 250g, gạo tẻ 100g; củ cải rửa sạch, thái nhỏ đem nấu cháo với gạo tẻ; ăn nóng vào các bữa sáng và tối.

    Cấm kỵ: Người tỳ vị hư hàn không nên dùng. Khi dùng cháo này không dùng các vị thuốc hà thủ ô và địa hoàng.

    (3) Canh củ cải bào ngư: Củ cải tươi 500g, bào ngư khô 50g; củ cải đem rửa sạch, thái lát nấu chín cùng với bào ngư, chia 2 lần ăn trong ngày; cách 1 ngày ăn 1 lần, liên tục trong 15-20 ngày.

    Bào ngư là một loại ốc biển (Haliotis sp.), vỏ là vị thuốc "thạch quyết minh".

    (4) Cháo cà rốt: Cà rốt tươi 120g, gạo tẻ 60g; cà rốt thái nhỏ nấu với gạo thành cháo ăn vào buổi sáng và buổi tối.

    (5) Cháo củ mài: Sơn dược (củ mài) khô 50-60g (tươi 100-120g), gạo tẻ 60g; củ mài thái nhỏ rồi nấu cháo với gạo ăn; món này có thể ăn trong cả bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông.

    (6) Củ mài hầm dạ dày lợn: Dạ dày lợn và sơn dược - 2 thứ lượng bằng nhau; nấu chín dạ dày lợn sau đó cho sơn dược vào đun đến khi nát là được, thêm chút muối; ngày ăn 1 lần vào lúc đói bụng.

3. Hạ tiêu:

    - Chứng trạng: Chủ chứng là tiểu tiện nhiều lần. Tiểu tiện nhiều lần và lượng nước tiểu cũng nhiều. Nước tiểu ngọt, đục như trộn mỡ, phiền khát hay uống, đại tiển lỏng, chân phù thũng, chân tay không ấm, uể oải mỏi mệt. Chất lưỡi thẫm không có rêu. Mạch trầm tế nhược.

    - Phép chữa: Tư âm bổ thận, thanh nhiệt giáng hỏa.

    - Món ăn - Bài thuốc cụ thể:

    (1) Cháo kỷ tử: Kỷ tử 15-20g, gạo tẻ 50g, đường trắng tùy thích; cho cả ba thứ vào nồi, thêm nửa lít nước, đun sôi rồi dể lửa nhỏ nấu đến khi gạo nở ra thì tắt lửa ủ thêm 5 phút là được; ăn nóng vào buổi sáng và buổi tối, có thể ăn như vậy lâu ngày.

    (2) Cháo rau khởi: Rau khởi (lá cây kỷ tử) tươi 100g, gạo tẻ 50g, đường trắng tùy thích; dùng 300ml nước sắc lá kỷ tử, nấu đến khi còn khoảng 200ml thì bỏ bã chắt lấy nước, cho gạo và đường vào và thêm 300ml nước nữa nấu thành cháo; ăn nóng vào buổi sáng và buổi tối. Thứ cháo này tác dụng yếu, phải dùng lâu ngày mới thấy kiến hiệu.

    (3) Canh thịt thỏ nấu với kỷ tử: Kỷ tử 15g, thịt thỏ 250g, thêm rau tươi, dầu, gia vị, ... nấu thành canh; cách 1-2 ngày ăn 1 lần. Nên ăn thường xuyên như vậy.

    (4) Canh kỷ tử tụy lợn: Kỷ tử 15g, kén tằm 9g, tụy lợn 1 cái; thêm nước nấu thành canh ăn. Nên thường xuyên ăn như vậy.

    (5) Cháo hành tây: Hành tây tươi 50-100g, thịt lợn nạc 50g; nấu chín thịt lợn rồi cho hành tây vào nấu thêm đến khi hành chín; ngày ăn 2 lần. Nên ăn thường xuyên.

    (6) Các nghiên cứu gần đây cho biết, trong rau muống có chất tương tự như insulin, cho nên đây là món ăn rất tốt với người bệnh tiểu đường. Để cho ngon miệng hơn, có thể nấu món cháo như sau: Lấy 100g rau muống rửa sạch và thái nhỏ, 100g củ năn (củ mã thầy) gọt bỏ vỏ và rửa sạch, thịt lợn nạc 100g băm nhỏ; thêm các thứ gia vị như hành, gừng, muối, ... dùng 100g gạo nấu cháo, khi cháo chín thì cho thịt, rau muống và củ năn vào nấu tiếp đến khi thịt chín là được. Thứ cháo này là món ăn rất tốt đối với người bị đái tháo đường. Ngoài ra, nó còn có tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, giải độc và cầm máu.


Lương y HUYÊN THẢO

Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Ẩm thực liệu dưỡng - amthuclieuduong.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên amthuclieuduong.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên
amthuclieuduong.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin