Món ăn Bài thuốc

Cách nhận dạng đông trùng hạ thảo thật

Nguồn tin:  www.thuocvuonnha.com
Cập nhật: 02/04/2016 02:51 SA

"Đông trùng hạ thảo" trên thực tế là một thể phức hợp, bao gồm 2 bộ phận: "phần trùng" (sâu) là xác con sâu non; còn "phần thảo" (thực vật) là một loại nấm. Nói nôm na, "đông trùng hạ thảo" là một loài nấm, mọc ra từ đầu một loài sâu non.

đông trùng hạ thảo, trùng thảo, hạ thảo đông trùng

"Đông trùng hạ thảo" còn có tên là "trùng thảo" hoặc "hạ thảo đông trùng".

Vị thuốc có tên "đông trùng hạ thảo" là vì mùa Đông nó là một con sâu (trùng), tới mùa Hạ thì biến thành "cỏ" (thảo). Để nhận dạng chính xác được vị thuốc "đông trùng hạ thảo", cần nắm được quá trình hình thành và những đặc điểm của loại dược liệu này.

Mùa Hè, bướm của loài sâu Hepialus armoricanus Oberthur thuộc "Bộ cánh vảy" đẻ trứng lên cây cỏ. Khi lá rụng, trứng rơi xuống đất, khoảng một tháng trứng nở thành ấu trùng và chui xuống dưới đất để ngủ qua Đông. Trong thời gian đó, dưới đất lại đang có những bào tử của loài nấm túi Cordyceps sinensis (Burk.) Sacc. Gặp ấu trùng, bào tử nấm túi liền xâm nhập vào bên trong, hút chất dinh dưỡng của sâu non và phát triển thành những "sợi nấm".

Suốt từ mùa Đông đến mùa Hè, những sợi nấm dần dần ăn hết phần "thịt" trong sâu non, cuối cùng sâu non chỉ còn lại cái vỏ bao bọc lấy khối sợi nấm dày đặc bên trong, gọi là "nhân nấm". Đến mùa Hè nhân nấm phát triển, từ đầu sâu ra mọc một "mần cỏ" và nhô lên trên mặt đất.

Cái "mầm cỏ" đó trong chuyên môn gọi là "tử tọa" (stroma). "Tử" là "bào tử"; còn "tọa" là "chỗ ngồi", "cái giá", ... Trong tiếng Hy Lạp, "stroma" có nghĩa là cái đệm, cái giường, ... "Tử tọa" - "stroma" hàm nghĩa là nơi chứa các bào tử. Trong các tài liệu ở nước ta, "tử tọa" - "stroma" còn thường được chuyển ngữ là "chất đệm nấm" hoặc là "thể quả".

Để nhận dạng chính xác, ta cần nắm vững những đặc điểm của 2 bộ phận hợp thành "đông trùng hạ thảo", cụ thể như sau:

    1. Tử tọa: Dạng hình trụ tròn, hơi cong, dài 3-7cm, đường kính 1,5-4mm, mặt ngoài từ nâu nhạt đến nâu thẫm, có những nếp nhăn nhỏ chạy dọc, chất mềm dẻo, bên trong hơi rỗng, mặt cắt trắng nhạt; mùi hơi tanh, vị hơi đắng. Phần đầu của tử tọa hơi phình to, mầu nâu, bề mặt dày đặc những "vỏ tử nang" (tử nang xác); bên trong vỏ tử nang có rất nhiều "tử nang" hình sợi; mỗi tử nang chứa 3-4 "bào tử".

    2. Xác sâu non: Có hình dạng tựa như con tằm; dài 3-5cm, đường kính 3-8mm; phần đầu màu nâu đỏ; phần ngực bụng vàng thẫm hoặc nâu; phần ngực có 3 đốt, có 3 đôi chân ngực; phần bụng gồm 10 đốt, với 5 đôi chân, 4 đôi ở giữa tương đối rõ; toàn bộ bề mặt có khoảng 20-30 khía tròn; chất giòn, mặt cắt màu vàng nhạt.

Khoảng trước sau tiết Hạ chí (20-21 tháng 6 Dương lịch), khi tuyết chưa tan, các bào tử còn chưa phát tán, người ta đào cả nấm và xác sâu về, phơi gần khô thì làm sạch tạp chất, rồi phơi hoặc sấy ở nhiệt độ thấp cho khô hẳn. Để làm hàng xuất khẩu, thì phun rượu lên, uốn cho thẳng, rồi dùng chỉ đỏ buộc lại thành từng bó nhỏ, mỗi bó vài con.

Muốn nhận dạng chính xác "đông trùng hạ thảo", nói chung chỉ cần dùng kính lúp phóng to lên, rồi xem xét tỉ mỉ từng chi tiết, là có thể thấy rõ. Nếu không có những đặc điểm như mô tả ở trên, có thể khẳng định là đồ giả.

Muốn chắc chắn hơn, bạn có thể so sánh với hình vẽ "đông trùng hạ thảo" phóng to kèm theo bài này:

đông trùng hạ thảo, trùng thảo, hạ thảo đông trùng

    - Số 1: Chỉ toàn bộ "đông trùng hạ thảo", phần trên là tử tọa, phần dưới là xác ấu trùng;

    - Số 2: Là mặt cắt ngang của tử tọa, xung quanh có các "vỏ tử nang" hình quả trám nhỏ;

    - Số 3: Là các "vỏ tử nang" đã phóng đại qua kính hiển vi.

Hiện nay, lượng "đông trùng hạ thảo" thiên nhiên khai thác được hàng năm cung không đủ cầu, giá đắt hơn cả vàng và thường bị làm giả.

Người Trung Quốc gọi "đông trùng hạ thảo" là "vàng mềm" (nhuyễn hoàng kim). Hiện tại, 1g "đông trùng hạ thảo" bán ở một số cửa hàng tại phía đông thành phố Bắc Kinh khoảng 200 nhân dân tệ; nếu mua ở Đông Nhân Đường thì giá còn lên tới 640 tệ.

Nếu muốn sử dụng "đông trùng hạ thảo" để bồi dưỡng sức khỏe hoặc chữa bệnh (chứ không phải để làm quà biếu), tốt nhất nên sử dụng "đông trùng hạ thảo" nuôi cấy trong điều kiện nhân tạo.

Theo các kết quả nghiên cứu hiện đại: Thành phần hóa học và tác dụng dược lý của "đông trùng hạ thảo" nuôi cấy nhân tạo tương tự như "đông trùng hạ thảo" thiên nhiên; được khuyến cáo sử dụng để thay thế cho "đông trùng hạ thảo" thiên nhiên.

Theo Đông y: "Đông trùng hạ thảo" có vị ngọt, tính ấm (ôn); vào 2 kinh Phế và Thận. Có tác dụng ích Phế, Thận; bổ tinh tủy, cầm máu, hóa đàm (tiêu đờm), dùng chữa hư lao sinh ho, ho ra máu, liệt dương, lưng gối đau mỏi, di tinh.

Liều dùng: Ngày uống 6-12g; nói chung, chỉ thích hợp với các trường hợp chức năng của hai tạng Phế và Thận bị suy yếu.

Xem thêm bài viết: Đông trùng hạ thảo nuôi cấy nhân tạo có tác dụng gì?


Lương y HUYÊN THẢO

Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Ẩm thực liệu dưỡng - amthuclieuduong.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên amthuclieuduong.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên
amthuclieuduong.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin