Món ăn Bài thuốc

Cây diếp cá: Hỗ trợ trị liệu một số bệnh hô hấp

Nguồn tin:  www.thuocvuonnha.com
Cập nhật: 25/04/2016 09:43 SA

Rau diếp cá mọc hoang ở khắp những nơi ẩm thấp, hoặc được trồng làm rau ăn sống và nấu các món ăn. Diếp cá còn gọi là "cây lá giấp", tên khoa học là Houttuynia cordata Thunb., thuộc họ Lá giấp (Saururaceae). Trong Đông y gọi là "ngư tinh thảo" - một vị thuốc đã được sử dụng từ rất lâu đời và hiện tại được xếp vào nhóm thuốc có tác dụng "thanh nhiệt giải độc".

rau diếp cá, diếp cá, ngư tinh thảo, cây lá giấp, Houttuynia cordata Thunb.

Cây diếp cá

Theo Đông y: Ngư tinh thảo có vị cay, tính lạnh; vào các kinh Thủ thái âm phế và Túc quyết âm can. Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi thủy tiêu thũng. Dùng chữa chứng ho do phế nhiệt, phế ung (tương ứng với lao phổi), thủy thũng, nhiệt lỵ, bạch đới, mụn nhọt (ung tiết).

Các nghiên cứu hiện đại đã chứng minh tính đúng đắn của các kinh nghiệm cổ truyền.

Riêng đối với tác dụng "thanh nhiệt giải độc", các thử nghiệm lâm sàng cho thấy, rau diếp cá tác dụng kháng viêm và ức chế đối với nhiều loại vi khuẩn, các loại tụ cầu vàng, liên cầu dung huyết, phế cầu khuẩn, trực khuẩn lao, trực khuẩn bạch hầu, trực khuẩn coli, trực khuẩn lỵ, ... và ức chế virus cúm.

Đặc biệt, các nhà khoa học Trung Quốc còn phát hiện trong rau diếp cá có chất "ngư tinh thảo tố" (tức Decanoyl acetaldehyde) - một loại hoạt chất có tác dụng ức chế đối với ung thư. Ngoài ra, rau diếp cá còn có tác dụng trấn tĩnh, cầm máu, xúc tiến sự tái sinh các tổ chức mô và tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể.

Liều dùng: 10-30g khô (30-60g tươi).

Nghi kỵ: Theo Đông y, người thể tạng hư hàn không nên dùng độc vị. Ngư tinh thảo có tính hàn, nên dùng quá nhiều sẽ hao tổn dương khí, có thể sinh ra khí suyễn. Ngoài ra, danh y Đào Hoằng Cảnh còn cho rằng, ngư tinh thảo không có lợi đối với chân, trẻ nhỏ ăn nhiều rau diếp cá sẽ thấy đau chân khi đại tiểu tiện (tham khảo).

Có thể sử dụng rau diếp cá để hỗ trợ trị liệu một số bệnh hô hấp như sau:

(1) Chữa ho ra máu, khạc ra đờm hôi thối trong lao phổi:

    Có thể áp dụng một trong hai bài thuốc sau:

    - Bài thuốc 1: Lá diếp cá tươi 30g, cho vào nồi đất, đổ ngập nước ngâm trong 1 giờ, đun sôi 1-2 phút (chú ý không được đun lâu), bỏ bã chắt lấy nước, đập một quả trứng gà vào trộn đều; ăn từ từ từng ít một; mỗi ngày ăn 1 lần, liên tục  20-30 ngày.

    - Bài thuốc 2: Lá diếp cá tươi 60g, phổi lợn 1 cái, nấu thành món canh; ăn phổi và uống nước thuốc; cách 2-3 ngày ăn một lần; dùng liên tục khoảng 3-5 tháng.

(2) Chữa ho trong viêm phổi, viêm phế quản:

    Dùng lá diếp cá tươi 30g, sắc lấy  nước; chia 2-3 lần uống trong ngày.

    Tại Thượng Hải (Trung Quốc), bác sĩ Chư Vân Trình đã thử nghiệm ứng dụng bài thuốc trên để chữa triệu chứng ho, cho 23 ca bệnh phổi (bao gồm 5 ca apxe phổi, 2 ca viêm phổi, 2 ca giãn phế quản, 14 ca viêm phế quản cấp và bán cấp), đều thu được kết quả tốt.

(3) Chữa viêm khí quản mạn tính:

    Dùng lá diếp cá 30g, cát cánh 15g; sắc với nước, chia 3-4 lần uống trong ngày.

    Cách sắc thuốc: Đầu tiên sắc riêng cát cánh, sau khi sôi, giữ nhỏ lửa 10-15 phút; tiếp đó cho rau diếp cá vào đun thêm 5 phút là được.

    Đã tiến hành thử nghiệm với 116 ca viêm khí quản mạn tính, đối với các triệu chứng như ho, suyễn, ... hiệu quả đạt 97% (Trung dược đại từ điển).


Lương y HUYÊN THẢO

Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Ẩm thực liệu dưỡng - amthuclieuduong.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên amthuclieuduong.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên
amthuclieuduong.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin