Món ăn Bài thuốc

Chữa đau lưng không rõ nguyên nhân

Nguồn tin:  www.thuocvuonnha.com
Cập nhật: 04/04/2016 09:58 SA

Đau lưng không phải là một bệnh độc lập, mà chỉ là một chứng trạng; biểu hiện chủ yếu là cảm giác đau, mỏi ở vùng lưng. Đau lưng có thể xuất hiện trong quá trình bệnh biến của nhiều loại bệnh, như bệnh thận, phong thấp, viêm khớp dạng thấp, tổn thương cơ lưng, các bệnh cột sống và tủy sống, cũng như trong một số loại bệnh ngoại khoa, phụ khoa, ...

ngải cứu

Lưng của chúng ta được cấu tạo bởi 2 thành phần chính là "cấu trúc cứng" và "cấu trúc mềm".

Cấu trúc cứng là cột sống, nằm dọc giữa lưng, được chia thành 5 đoạn, từ trên xuống dưới là đoạn cổ (7 đốt), đoạn ngực (12 đốt), đoạn thắt lưng (5 đốt), đoạn cùng (5 đốt) và đoạn cụt (4 hoặc 5 đốt); ở người trưởng thành, các đốt sống cùng và sống cụt dính liền với nhau, thành xương cùng và xương cụt.

Cấu trúc mềm là các hệ thống cơ, dây chằng và sụn. Nhờ sự liên kết, nâng đỡ của hệ thống cấu trúc mềm, mà cấu trúc cứng - cột sống có thể đứng thẳng, lưng chúng ta có thể cúi, ngửa, xoay, vặn, ...

Mỗi ngày, lưng chúng ta cử động khoảng 1500 lần. Do đó, đau lưng là "sự cố" rất khó tránh khỏi.

Đau lưng là một chứng bệnh rất phức tạp và rất khó xác định chính xác nguyên nhân. Số liệu thống kê trong Y học hiện đại cho thấy, trừ một số những trường hợp có nguyên nhân gây bệnh rõ ràng, như thấp khớp, bệnh cột sống, nhiễm trùng hay khối u, ... phần lớn các trường hợp đau lưng không thể xác định chính xác được nguyên nhân. Người ta thường gọi đó là đau lưng không rõ nguyên nhân hay "đau lưng lành tính".

Đối với những trường hợp đau lưng "không rõ nguyên nhân" như vậy, người bệnh thường tìm đến với "Ẩm thực liệu dưỡng", các biện pháp trị liệu khác của Y học cổ truyền; và kết quả thường là mãn ý.

Đau lưng thuộc phạm vi của chứng "yêu thống" ("yêu" = lưng, thắt lưng; "thống" = đau) hoặc "yêu toan thống" (đau mỏi lưng; "toan" = mỏi) của Đông y.

Đông y cho rằng: "Yêu thống" có liên quan mật thiết với chức năng của tạng Thận. Cơ chế bệnh bao gồm "Hàn", "Nhiệt", "Hư", "Thực" - các "chứng hình" không giống như nhau. "Thực chứng" thường là do ngoại cảm "hàn thấp tà", "thấp nhiệt tà" hoặc do "ứ huyết" trở trệ ở vùng lưng, khiến cho kinh mạch bị nghẽn tắc mà sinh ra đau. "Hư chứng" chủ yếu do Thận hư tinh suy, kinh mạch ở vùng lưng không được nhu dưỡng, mà sinh ra đau. Khi chữa trị, đối với bệnh mới phát, chủ yếu tập trung vào khử tà; đối với bệnh lâu ngày, cần tập trung bổ Thận, bồi bổ Nguyên khí.

Muốn dùng các Món ăn - Bài thuốc chữa đau lưng có kết quả tốt, cần căn cứ vào triệu chứng biểu hiện cụ thể, để nhận biết thể bệnh và chọn dùng phép chữa, bài thuốc, món ăn thích hợp, theo nguyên tắc "Biện chứng luận trị" như sau:

1. Thể "hàn thấp":

    - Thường do ngồi lâu ở những nơi ẩm thấp hoặc ngâm nước, bị mưa ướt, hay đang vã mồ hôi ra ngoài gió, ... mà bị "hàn tà" và "thấp tà" (gọi tắt là "hàn thấp tà"), xâm phạm vào cơ thể, khiến cho kinh mạch bị nghẽn tắc, khí huyết ngưng trệ, mà gây nên bệnh.

    - Biểu hiện thường gặp: Có cảm giác lạnh, đau từ lưng xuống chân; khó xoay người, đau nặng dần, nằm nghỉ đau không giảm, chườm ấm hoặc thời tiết ấm lên thì đau giảm. Rêu lưỡi trắng nhớt, mạch trầm trì (chìm, chậm).

    - Để chữa trị có thể sử dụng những Món ăn - Bài thuốc có tác dụng tán hàn trừ thấp, ôn kinh thông lạc dưới đây:

    (1) Cháo thuốc 1: Dùng ngải cứu 10g, lá lốt 12g; 2 thứ rửa sạch, thái nhỏ, cùng với 50-100g gạo tẻ; nấu cháo ăn trong ngày.

    Ngải cứu và lá lốt có vị cay, tính ấm. Đều có tác dụng ôn trung, tán hàn, chỉ thống. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, dùng các thứ cây nhà lá vườn đó chế biến các món ăn, như dùng ngải cứu rán hoặc luộc với trứng gà; dùng lá lốt cuốn chả, hầm xương, ... chữa đau lưng thuộc thể hàn thấp trở trệ, đạt kết quả tốt.

    (2) Cháo thuốc 2: Dùng can khương (gừng khô) 6g, thổ phục linh 15g, hồng táo 5 trái; sắc lấy nước bỏ bã, dùng nước thuốc thêm 50-100g gạo tẻ nấu cháo, thêm đường đỏ; chia ra ăn 2 lần trong ngày.

    (3) Rượu thuốc: Dùng thương truật 15g, hồng hoa 10g, mộc qua 15g, rượu trắng 500ml; ngâm 7 ngày; ngày uống 2 lần, mỗi lần 5-10ml.

2. Thể "Thấp nhiệt":

    - Thường do mùa hè bị "thấp tà" và "nhiệt tà" (gọi tắt là "thấp nhiệt tà") xâm phạm vào cơ thể. Nhưng cũng có thể do "hàn tà" hay "thấp tà" ngưng đọng lâu ngày trong cơ thể, khiến khí uất và huyết kết lâu ngày hóa thành hỏa, làm cho kinh mạch bị nghẽn tắc, mà gây nên bệnh.

    - Biểu hiện thường gặp: Đau nhức suốt từ lưng xuống chân, chỗ đau có cảm giác nóng, gặp trời mưa hoặc thời tiết nóng thì đau tăng lên. Rêu lưỡi vàng nhớt, mạch nhu sác (mềm, nhanh).

    - Để chữa trị, có thể sử dụng Món ăn - Bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, thư cân chỉ thống sau:

    (1) Cháo thuốc 1: Dùng ý dĩ nhân 50g, lục đậu (đậu xanh) 50g; nấu cháo ăn, ngày 2 lần.

    (2) Cháo thuốc 2: Dùng vỏ núc nác 12g, tang kí sinh 12g, nhẫn đông đằng 30g; bọc lại, sắc lấy nước, đem nấu cháo với ý dĩ nhân 30g, gạo tẻ 50g; chia ra ăn trong ngày.

3. Thể "Huyết ứ":

    - Thường do lưng và mông bị ngoại thương, hoặc do bệnh kéo dài lâu ngày thâm nhập vào kinh lạc, làm cho khí huyết vận hành không thông sướng, kinh mạch bị ứ trệ mà sinh ra đau (bất thông tắc thống).

    - Biểu hiện thường gặp: Đau như dùi đâm, vị trí đau cố định, ấn vào đau tăng lên (cự án), ngày nhẹ đêm nặng, một số bệnh nhân có tiền sử ngoại thương. Chất lưỡi tím tái hoặc có điểm ứ huyết, mạch sáp.

    - Để chữa trị có thể sử dụng các loại rượu thuốc có tác dụng hoạt huyết hóa ứ, lý khí, chỉ thống dưới đây:

    (1) Rượu thuốc 1: Hồng hoa 30g, đan sâm 30g, kê huyết đằng 30g; đem ngâm trong 1500ml rượu trắng, ngâm ít nhất 10 ngày; chắt rượu ra, mỗi lần uống 20ml, ngày 2 lần.

    (2) Rượu thuốc 2: Đương quy 12g, đan sâm 15g, nguyên hồ (diên hồ sách) 12g, xích thược 15g, ngưu tất 12g, hương phụ 15g, xuyên khung 10g, đào nhân 15g; các vị thuốc đem ngâm trong 2000ml rượu trắng, ngâm ít nhất 10 ngày; chắt rượu ra, mỗi lần uống 20ml, ngày 2 lần.

4. Thể "Thận hư":

    - Nguyên nhân chủ yếu do bẩm sinh yếu ớt, hoặc bệnh lâu ngày thân thể suy yếu, tuổi cao tinh suy, khiến tinh huyết ở tạng thận suy hư, kinh mạch không được nuôi dưỡng mà gây nên bệnh.

    - Biểu hiện thường gặp: Lưng mỏi, gối yếu, đau âm ỉ, thích được xoa bóp, khi mệt nhọc đau tăng, nằm nghỉ đau giảm. Thường tái phát đi tái phát lại, kèm theo đầu choáng mắt hoa, tai ù, sắc diện đen sạm. Chất lưỡi nhạt rêu lưỡi mỏng, mạch trầm tế vô lực.

    - Để chữa trị có thể sử dụng các Món ăn - Bài thuốc có tác dụng bổ Thận, ích tinh dưới đây:

    (1) Món ăn - Bài thuốc 1: Bầu dục lợn 1 đôi, đỗ trọng 30g, hạch đào nhục 30g; cùng hầm chín, làm thức ăn trong bữa cơm.

    (2) Món ăn - Bài thuốc 2: Xương sống dê 1 bộ, nhục thung dung 30g, hành 3 cây, lá lốt 10g, thảo quả 10g; xương dê rửa sạch đập vụ, cùng với nhục thung dung, lá lốt, thảo quả cùng sắc lấy nước, sau cho hành vào đun thêm một lát chắt lấy nước, cuối cùng cho mì sợi vào nấu thành mì nước, thêm mắm muối gia vị, ăn trong ngày.

        (3) Món ăn - Bài thuốc 3: Tục đoạn 25g, đỗ trọng 30g, đuôi lợn 1-2 cái (bỏ da); hầm lên, thêm mắm muối gia vị, làm món ăn.


Lương y HUYÊN THẢO

(Bài đã đăng trên tạp chí "Dược & Mỹ Phẩm" của Cục Quản lý dược - Bộ y tế)

Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Ẩm thực liệu dưỡng - amthuclieuduong.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên amthuclieuduong.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên
amthuclieuduong.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin